Hội đồng PHPBGDPL huyện Yên Mỹ Tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở
Trong thời gian qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện Yên Mỹ đã được triển khai thực hiện có hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng của công tác hòa giải cơ sở với tư cách là một phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột trong đời sống của nhân dân một cách nhân văn, ít tốn kém và có hiệu quả bền vững.
Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải cơ sở trên địa bàn huyện đã tiến hành hòa giải khoảng 200 vụ việc với tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 80%. Với kết quả hòa giải thành nêu trên, số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại các cơ quan Nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức cho nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan Nhà nước. Nhiều tranh chấp, mâu thuẫn trong đời sống đã được giải quyết ngay từ cơ sở, góp phần đảm bảo ổn định, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, đồng thời kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật và góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó trong nhân dân.
Thực hiện Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 08/3/2024 của UBND huyện về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 trên địa bàn huyện; Kế hoạch số 172/KH-UBND ngày 18/7/2024 triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải ở cơ sở giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn huyện. Nhằm nâng cao nâng cao hiểu biết pháp luật về hòa giải và kỹ năng nghiệp vụ trong công tác hòa giải ở cơ sở, Ngày 15/8/2024, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở.
Toàn cảnh hội nghị
Lớp tập huấn quy tụ hơn 100 đại biểu là công chức Phòng Tư pháp; Tư pháp - hộ tịch cấp xã và Tổ trưởng các Tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện. Tham gia lớp tập huấn, các đại biểu được nghe báo cáo viên giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản có liên quan. Trong đó, báo cáo viên đã nhấn mạnh về ý nghĩa, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở; những nguyên tắc, phạm vi, trình tự và những điều lưu ý khi tiến hành một buổi hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, các đại biểu còn được tập huấn một số kỹ năng hòa giải ở cơ sở như: Kỹ năng tiếp cận thông tin về vụ, việc hòa giải và nhu cầu của các bên, Kỹ năng tìm mâu thuẫn, xung đột lợi ích cốt lõi, nguyên nhân chủ yếu, Kỹ năng tra cứu, tham khảo, vận dụng pháp luật, phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, Kỹ năng tổ chức, điều hành, kiểm soát buổi hòa giải, Kỹ năng tư vấn, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục, vận động các bên tự thỏa thuận dàn xếp mâu thuẫn, tranh chấp. Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng hướng dẫn đại biểu kỹ năng ghi chép Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở, kỹ năng ghi biên bản hòa giải, kỹ năng lập văn bản hòa giải thành, văn bản hòa giải không thành.
Đồng chí Vũ Thanh Loan - Giảng viên trường Chính trị Nguyễn Văn Linh truyền đạt các nội dung của Hội nghị
Tại buổi tập huấn, các đại biểu đã cùng trao đổi, thảo luận sôi nổi, đưa ra những nhận định, cách thức, định hướng hòa giải các tình huống cụ thể về các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân được báo cáo viên đưa ra. Ngoài ra, những khó khăn, vướng mắc trong hòa giải ở cơ sở cũng được đại biểu đặt ra để báo cáo viên giải đáp, hướng dẫn cách thức xử lý có hiệu quả trong quá trình hòa giải.
Thông qua Hội nghị, nhằm trang bị về kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, kiến thức pháp luật cho hòa giải viên; phát huy vai trò của hòa giải viên cơ sở trong việc giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ tại cơ sở, giữ gìn đoàn kết nội bộ trong Nhân dân, phòng ngừa hạn chế vi phạm pháp luật và góp phần bảo vệ an ninh trật tự tại khu dân cư. Đồng thời, tạo điều kiện cho tổ viên Tổ hòa giải gặp gỡ, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm qua việc xử lý các tình huống cụ thể được đưa ra trong đợt tập huấn, góp phần nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện trong thời gian tới.