NHỮNG ĐIỂM MỚI TRONG LUẬT SỐ 20/2012/QH13 SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT LUẬT SƯ

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư năm 2012 (sau đây gọi tắt là Luật sửa đổi, bổ sung) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ tư thông qua ngày 20/11/2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013. Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình đổi mới và hoàn thiện thể chế về luật sư ở nước ta. Luật sửa đổi, bổ sung tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động luật sư, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm phát huy vai trò tự quản của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của luật sư trước những yêu cầu mới của cải cách hành chính, cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế, đảm bảo cho hoạt động của đội ngũ luật sư tiếp tục phát triển ổn định và bền vững.

Luật sửa đổi, bổ sung đã khẳng định và đề cao vai trò xã hội của luật sư, gia tăng trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư, ngoài việc bảo vệ công lý còn quy định “chức năng bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội (Điều 3). Các nội dung này hoàn toàn phù hợp với định hướng cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Luật sửa đổi, bổ sung bao gồm 02 điều với một số điểm mới cụ thể như sau:

1. Hành vi bị nghiêm cấm:

So với Luật Luật sư 2006 thì trong Luật sửa đổi hành vi bị nghiêm cấm được tăng thêm 3 điểm (Điều 9):

“h) Nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích khác khi thực hiện trợ giúp pháp lý cho các khách hàng thuộc đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật; từ chối vụ, việc đã đảm nhận theo yêu cầu của tổ chức trợ giúp pháp lý, của các cơ quan tiến hành tố tụng, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc theo quy định của pháp luật;

i) Có lời lẽ, hành vi xúc phạm cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình tham gia tố tụng;

k) Tự mình hoặc giúp khách hàng thực hiện những hành vi trái pháp luật nhằm trì hoãn, kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan nhà nước khác.”

           2. Về đào tạo nghề luật sư:

Nhằm nâng cao chất lượng luật sư, từng bước đảm bảo mặt bằng chung, cân đối chương trình đào tạo với các chức danh tư pháp: Thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Vì vậy thời gian đào tạo nghề luật sư nâng lên 12 tháng.

            3.Về tập sự hành nghề luật sư và kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư:

Khoản 1 điều 14 của Luật sửa đổi, bổ sung quy định “Thời gian tập sự hành nghề Luật sư là 12 tháng”, ngoài ra còn quy định cụ thể về điều kiện và nhiệm vụ, quyền hạn của luật sư hướng dẫn và người tập sự“Luật sư hướng dẫn tập sự phải là người có ít nhất ba năm kinh nghiệm hành nghề luật sư; tại cùng một thời điểm, một luật sư không được hướng dẫn quá ba người tập sự”

Quyền và nghĩa vụ của người tập sự hành nghề luật sư“không được đại diện, bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng tại phiên tòa, không được ký văn bản tư vấn pháp luật”. Theo quy định này, xét về địa vị của người tập sự hành nghề luật sư không đủ địa vị pháp lý như luật sư cho nên không được tham gia các hoạt động tố tụng; “Người tập sự hành nghề luật sư được đi cùng với luật sư hướng dẫn gặp gỡ người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, nguyên đơn, bị đơn và các đương sự khác trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính khi được người đó đồng ý; được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý”.

            Luật sửa đổi, bổ sung không quy định cho phép viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật hành nghề luật sư: nhằm không làm phân tán nguồn lực và không phát sinh xung đột về lợi ích khi luật sư là giảng viên tham gia tố tụng; tránh việc phân tán thời gian nghiên cứu, và đảm bảo chất lượng hành nghề (vì thời gian tham gia tố tụng được tiến hành trong giờ làm việc); đảm bảo nhiệm vụ của giảng viên với vai trò là đội ngũ có trình độ cao đào tạo nguồn lực cho hệ thống tư pháp và toàn xã hội.

            4. Quy định về việc thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư:

So với Luật Luật sư 2006 thì Luật sửa đổi, bổ sung cũng bổ sung thêm các trường hợp “Không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư; Không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư” (Điểm d, đ khoản 1 Điều 18 Luật sửa đổi, bổ sung). Quy định này nhằm tiết kiệm nguồn lực xã hội và tăng cường đội ngũ luật sư tham gia hành nghề, hạn chế việc luật sư được cấp chứng chỉ nhưng không gia nhập Đoàn và không hành nghề; Luật sửa đổi, bổ sung cũng quy định cụ thể việc xóa tên và thu hồi Thẻ luật sư (Khoản 5 Điều 20). Tuy nhiên, sau khi bị thu hồi chứng chỉ hành nghề sẽ được xem xét cấp lại khi có đề nghị cấp lại Chứng chỉ hành nghề luật sư (Khoản 2 Điều 19). Ngoài ra, điều 18 còn quy định việc thôi hành nghề theo nguyện vọng của luật sư.

            5. Quyền và nghĩa vụ của luật sư:

Nhằm khẳng định vị thế, vai trò của luật sư, đảm bảo sự bình đẳng trong quá trình tham gia tố tụng, Luật sửa đổi, bổ sung quy định bổ sung về quyền và nghĩa vụ của luật sư như sau:“Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan” (Điểm a Khoản 1 Điều 21). Đồng thời nâng cao chất lượng của Luật sư thì luật sư phải “Tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ” Điểm đ Khoản 2 Điều 21.

            Hoạt động tham gia tố tụng của Luật sư: Luật sư đổi quy định cụ thể thủ tục tham gia tố tụng của luật sư trong các trường hợp “tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự”; “tham gia tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa” thì đề nghị cấp Giấy chứng nhận cũng quy định rõ về hồ sơ và thời gian được cấp. Ngoài ra, tại Điều 27 cũng quy định chi tiết các trường hợp Luật sư bị từ chối cấp Giấy chứng nhận người bào chữa:

“a) Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo hoặc người đại diện cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất từ chối luật sư;

b) Luật sư là người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng trong vụ án đó;

c) Luật sư đã tham gia trong vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định hoặc người phiên dịch;

d) Luật sư là người đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó”.(Khoản 4 Điều 27)

           6. Về tổ chức hành nghề Luật sư:

Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định về Điều kiện thành lập tổ chức hành nghề luật sư “luật sư thành lập hoặc tham gia thành lập tổ chức hành nghề luật sư phải có ít nhất hai năm hành nghề liên tục làm việc theo hợp đồng lao động cho tổ chức hành nghề luật sư hoặc hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật này”.

           7. Về việc Hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề luật sư:

Luật sửa đổi, bổ sung cho phép chuyển đổi loại hình từ Văn phòng luật sư thành Công ty luật; Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi thành Công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và ngược lại; Công ty luật trách nhiệm hữu hạn được chuyển đổi thành công ty luật hợp danh và ngược lại (Điều 45).

Có thể thấy rằng những điểm mới trong Luật sửa đổi, bổ sung đã cho thấy vai trò, vị thế của đội ngũ luật sư đang ngày càng được chú trọng, điều này đã tạo sự thuận lợi và đảm bảo sự bình đẳng của luật sư khi tham gia quá trình tố tụng, cùng với đó là vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ luật sư.

Bổ trợ tư pháp

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
24 người đang online