Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2018

Sáng nay, ngày 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2018. Hội nghị tổ chức bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, điểm cầu chủ trì tại thành phố Hà Nội. Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã dự và chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính trung ương; đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội; đồng chí Lê Thị Nga, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội;

Về phía Bộ Tư pháp, có đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường.  Các đồng chí Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Phan Chí Hiếu, Trần Tiến Dũng, Lê Tiến Châu; các đồng chí nguyên Thứ trưởng Hoàng Thế Liên, Đinh Trung Tụng, Nguyễn Đức Chính, Phạm Qúy Tỵ, đại diện lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động các đơn vị thuộc Bộ.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Về phía các điểm cầu địa phương có đại diện của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Sở Tư pháp và Cục Thi hành án dân sự.

Công tác xây dựng pháp luật bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ người dân, doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho biết,  năm 2017, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, được dư luận đánh giá cao. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành đạt nhiều kết quả như việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP.
Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý VBQPPL được nâng lên rõ rệt. Công tác PBGDPL bước đầu có sự đổi mới, nhất là việc ứng dụng CNTT trong việc truyền tải pháp luật đến người dân.
Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, tiếp tục vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền. Công tác hành chính tư pháp, đặc biệt là triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và mở rộng áp dụng Phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Việc tham gia ý kiến pháp lý đối với các vụ việc phát sinh trong đầu tư quốc tế được thực hiện kịp thời, có chất lượng; hợp tác quốc tế về pháp luật tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong quan hệ với các nước láng giềng.

Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế như: Còn tình trạng lùi, rút các dự án luật; chất lượng một số VBQPPL chưa cao; chưa đạt mục tiêu chấm dứt tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết từ năm 2017 (còn nợ đọng thông tư của các Bộ). Trong THADS, số việc và tiền có điều kiện chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều; nhiều cơ quan, cá nhân chưa chấp hành nghiêm các bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực về vụ việc hành chính. Tình trạng lạm dụng bản sao chứng thực, lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 còn nhiều; việc giải quyết thủ tục hành chính trong công tác hộ tịch, chứng thực, lý lịch tư pháp còn có sai sót, bị dư luận lên tiếng. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ở một số địa phương còn yếu; vi phạm trong lĩnh vực công chứng, bán đấu giá còn nhiều. Công tác pháp chế ở nhiều địa phương còn yếu. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực của Bộ, Ngành chưa cao.
Xác định phương hướng công tác Tư pháp năm 2018, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nêu bật 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, theo đó: Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019; Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua; Hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018, giảm ít nhất 3% số việc và tiền có điều kiện thi hành chuyển sang kỳ sau so với năm 2017; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp; Thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp; Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã báo cáo một số chuyên đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như: Hướng dẫn xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật đấu giá tài sản; Tăng cường công tác xử lý văn bản trái pháp luật và đẩy mạnh việc khai thác, sử dụng Bộ pháp điển; Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật; Kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một số lĩnh vực tư pháp năm 2017.
Công tác Tư pháp có nhiều khởi sắc
Đại diện một số Bộ, ngành, địa phương cũng chia sẻ một số kết quả nổi bật trong công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, rà soát, xử lý VBQPPL và theo dõi thi hành pháp luật. Về cơ bản công tác pháp chế năm 2017 đều đạt được kết quả quan trọng. Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm 2017 được xác định là năm pháp chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác  xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL được đẩy mạnh. Bên cạnh sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo là phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp cùng với các Bộ, ngành và địa phương đã giúp công tác pháp chế của Bộ đạt được nhiều kết quả.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng khẳng định, công tác pháp chế của Bộ Công thương có nhiều khởi sắc. năm 2017, Bộ đặc biệt chú trọng hoạt động theo dõi thi hành pháp luật, rà soát, theo dõi cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh; đơn giản và hiện đại hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Ông Đỗ Thắng Hải cũng đề nghị Bộ Tư pháp sớm báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền sớm ban hành các quy định về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp để hoàn thiện hệ thống pháp luật.

     

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, công tác tư pháp ngày càng vào cuộc sâu hơn, thường xuyên hơn, đóng góp quan trọng và hiệu quả hơn trong việc giải quyết các vấn đề vướng mắc, phức tạp trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, xây dựng, giải phóng mặt bằng. Vai trò trách nhiệm của các cơ quan tư pháp từ thành phố đến cơ sở được củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động. Công tác xây dựng, thẩm định, rà soát, kiểm  tra soát văn bản chủ động hơn, có hiệu quả tích cực và đáp ứng được yêu cầu chỉ đạo điều hành của các cấp chính quyền. Ngành tư pháp đã tích cực chủ động cùng với các sở, ngành thành phố triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2017, nhiều dịch vụ công của thành phố trong lĩnh vực tư pháp được triển khai thực hiện và tới đây tiếp tục đẩy mạnh, góp phần cải cách hành chính, giảm thời gian, chi phí, phục vụ tốt hơn cho người dân doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô...
Ghi nhận những kết quả của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: Qua theo dõi, công tác Tư pháp của Hà Nội có nhiều khởi sắc, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng văn bản, thi hành án dân sự, PBGDPL. Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội tiếp tục được Bộ Tư pháp lựa chọn là địa bàn triển khai thí điểm những mô hình mới, cách làm hay trong công tác Tư pháp.
 Coi công tác Tư pháp là công việc thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp
Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến rất phức tạp, kinh tế - xã hội trong nước bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, còn không ít khó khăn, Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt công tác, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra. Điểm lại kết quả nổi bật của Bộ, ngành Tư pháp năm 2018, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những kết quả, thành tích mà toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2017.

Đồng tình với phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác Tư pháp năm 2018, Chủ tịch nước đề nghị Bộ, ngành Tư pháp tập trung thực hiện một số công tác trọng tâm như:
Chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng thành các văn bản quy phạm pháp luật; Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu, chỉ đạo việc triển khai thực hiện tốt công tác thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua; Chú trọng triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong toàn hệ thống thi hành án dân sự, tiếp tục thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu thi hành án dân sự, trong đó tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, không để phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài; Tiếp tục phối hợp tham mưu xử lý tốt các vấn đề pháp lý trong quá trình hội nhập quốc tế, chú trọng và có giải pháp hiệu quả phòng ngừa các tranh chấp đầu tư quốc tế; Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Chủ tịch nước cũng đề nghị các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, coi công tác tư pháp là công việc thường xuyên, quan trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật.

    

Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo của Chủ tịch nước, Bộ trưởng Lê Thành Long nghiêm túc tiếp thu đầy đủ ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch nước và tổ chức quán triệt, xây dựng Kế hoạch triển khai trong toàn Ngành. Bộ trưởng cũng mong tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của Chủ tịch nước; Quốc hội, Chính phủ và sự phối hợp của các Bộ, ngành, các cấp chính quyền để công tác Tư pháp ngày càng phát triển.
Bảo đảm tính khả thi, thứ tự ưu tiên trong việc xây dựng Chương trình hoạt động
Nhắc lại 12 nhóm nhiệm vụ, đặc biệt 08 nhóm nhiệm vụ trọng tâm công tác của Ngành năm 2018, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị:
Các tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp cần tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019, theo đó, cần quan tâm tới Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 để bảo đảm tính khả thi, thứ tự ưu tiên, nhất là trong thời điểm hiện nay, yêu cầu phải sửa đổi, bổ sung các luật để cụ thể hóa các các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị ban chấp hành trung ương lần thứ 5, thứ 6 và dự án Luật quy hoạch;
Khắc phục tình trạng nợ đọng, tổ chức thi hành luật, triển khai bài bản, đúng hướng các Bộ luật, luật mới được ban hành;

Nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp, thực hiện chuẩn hóa quy trình tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp; thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch, giải quyết tốt các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước;
Bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu THADS đã được Quốc hội giao; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ từng bước giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài, thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt Nghị định số 71/2016/NĐ-CP, bảo đảm thi hành dứt điểm các bản án, quyết định của Tòa án đối với các vụ án hành chính còn tồn đọng.

Trong bối cảnh, công việc ngày càng nhiều, phức tạp, trong khi số lượng biên chế phải tinh giản, Bộ trưởng nhấn mạnh, để công tác Tư pháp năm 2018 tiếp tục đạt hiệu quả hơn nữa, Bộ trưởng đề nghị:
Lãnh đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục pháp quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệt công tác xây dựng thể chế và tổ chức thi hành pháp; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó chú trọng xây dựng các chương trình, kế hoạch công tác tư pháp, bảm đảm trọng tâm, trọng điểm; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương công tác; Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra; xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, các vi phạm trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực THADS, công chứng, đấu giá tài sản, hộ tịch, LLTP tại địa phương; Coi CNTT là giải pháp đột phá để thực hiện nhiệm vụ khi nhân lực bị cắt giảm và nhiệm vụ ngày càng tăng.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp


Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
56 người đang online