Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022

Ngày 19/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), với sự tham dự và chủ trì của đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Dự Hội nghị sơ kết còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương.

 

Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) năm 2021 tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu
Trong 06 tháng đầu năm, cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, toàn Ngành chú trọng triển khai các nhiệm vụ. Bộ Tư pháp được giao thực hiện thêm 94 nhiệm vụ, đã hoàn thành 63 nhiệm vụ, không có nhiệm vụ quá hạn.
Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2021 tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, được Lãnh đạo Bộ chỉ đạo quyết liệt. Trong đó, Bộ Tư pháp ban hành 02 Quyết định bãi bỏ 08 TTHC trong lĩnh vực thi hành án dân sự và sửa đổi, bổ sung 44 TTHC ( trong đó có 12 TTHC lĩnh vực thi hành án dân sự và 32 TTHC lĩnh vực bổ trợ tư pháp).

Công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được Bộ, ngành Tư pháp coi trọng, là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Trong 06 tháng đầu năm, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 255 VBQPPL; các địa phương ban hành 1.501 VBQPPL cấp tỉnh, 1.306 VBQPPL cấp huyện và 478 VBQPPL cấp xã; Đã tổ chức thẩm định 08 đề nghị xây dựng văn bản và 78 dự án, dự thảo VBQPPL; Tổ chức Pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 236 dự thảo; các Sở Tư pháp thẩm định 142 đề nghị xây dựng nghị quyết của Hội đồng nhân dân và 2.218 dự thảo VBQPPL; các Phòng Tư pháp thẩm định 1.432 dự thảo VBQPPL.
Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 09 tháng năm 2022 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), Hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành xong là 348.490 việc (đạt tỉ lệ 64,35%), với trên 52.166 tỷ đồng (đạt tỉ lệ 29,47%). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính đạt được nhiều kết quả tích cực, đã thi hành xong 94 việc.
Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, Phần mềm đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung ghi nhận có hơn 26,7 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh; hơn 3,9 triệu hồ sơ đăng ký khai tử; hơn 113 nghìn trường hợp nhận cha mẹ con; hơn 14 nghìn trường hợp đăng ký giám hộ; hơn 12 nghìn trường hợp đăng ký nhận nuôi con nuôi; hơn 28 nghìn trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc;
Các công tác khác như: Tổ chức thi hành pháp luật, theo dõi tình hình thi hành pháp; pháp luật quốc tế, phổ biến, giáo dục pháp luật; nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm; bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tác xây dựng ngành, đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế về pháp luật; ứng dụng công nghệ thông tin; kế hoạch, tài chính; xuất bản, báo chí tiếp tục được triển khai nghiêm túc, chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của của các cấp và đạt được nhiều kết quả.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ 06 tháng cuối năm
Trong 06 tháng cuối năm, Bộ, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục cụ thể hóa những định hướng, chủ trương của Đảng, các chỉ thị, nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, nhất là Nghị quyết tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Tiếp tục thực hiện nghiêm, đầy đủ, hiệu quả các ý kiến chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác rà soát, thẩm định, xây dựng VBQPPL; chú trọng triển khai thi hành nghiêm, hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong công tác PBGDPL; tổng kết 10 năm thực hiện Luật PBGDPL; tổng kết Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; Tổ chức Ngày Pháp luật năm 2022 phù hợp với tình hình thực tiễn của Bộ, ngành Tư pháp.

Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung và tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, nhất là các quy định liên quan đến việc thu hồi tài sản bị thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế theo chỉ đạo của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu THADS, tổ chức theo dõi việc thi hành án các bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án về vụ án hành chính theo đúng quy định.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả, đúng thời hạn các nhiệm vụ được giao tại Đề án phát triển ứng dụng cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 ban hành kèm theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung nguồn lực triển khai thực hiện Dự án đầu tư công về xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc bảo đảm kết nối, chia sẻ với dữ liệu đăng ký khai sinh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các dữ liệu khác của Bộ, Ngành.
Đồng thời, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực công khác của Bộ.
Bám sát nguyên tắc về thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long đã điểm lại một số kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm của Bộ, ngành Tư pháp. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Lê Thành Long trân trọng cảm ơn, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của các tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp trong cả nước. Bộ trưởng khẳng định, kết quả mà Bộ, ngành Tư pháp đạt được đã đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Để tiếp tục tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, tổ chức pháp chế và cơ quan tư pháp, THADS các cấp tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm cuối năm.
Trong đó, tiếp tục quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các nghị quyết, kết luận của Đảng; triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022;
Bộ trưởng hết sức lưu ý đến công tác thẩm định các văn bản, đặc biệt trong bối cảnh cả hệ thống chính trị đang quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, việc thẩm định các văn bản phải tránh lợi ích nhóm trong xây dựng văn bản. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh kiểm tra, rà soát văn bản có trọng tâm, trọng điểm; đôn đốc, bảo đảm kết luận kiểm tra được thực hiện kịp thời, đúng pháp luật. Chú trọng xử lý kết quả rà soát các quy định pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn, làm cơ sở đề xuất hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực của Bộ, ngành, địa phương.
Công tác thi hành án những tháng cuối năm, cần tập trung vào các vụ việc phức tạp, kéo dài, xử lý thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế và án tín dụng, ngân hàng.
Đối với việc thực hiện Đề án 06, Bộ trưởng nhấn mạnh, Chính phủ rất quyết liệt và chủ động trong triển khai thực hiện. Do đó, phải triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp được giao theo Đề án 06 của Chính phủ, bảo đảm đúng chức năng nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp; đối với các việc về liên thông thủ tục hành chính, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, rà soát chuẩn hóa dữ liệu với các cơ sở dữ liệu khác cần đảm bảo nguyên tắc thực hiện đúng quy định pháp luật chuyên ngành về thẩm quyền, căn cứ pháp lý...
CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ BỘ TƯ PHÁP

Tin liên quan

LIÊN KẾT WEBSITE

Đánh giá của bạn về cổng thông tin điện tử






Gửi đánh giá Xem kết quả
73 người đang online