Chương trình trọng tâm công tác tư pháp tỉnh Hưng Yên năm 2023

Thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023; phương hướng nhiệm vụ, giải pháp công tác tư pháp năm 2023 của Bộ Tư pháp, ngày 11/01/2023, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Chương trình trọng tâm công tác tư pháp năm 2023 với những nội dung chủ yếu sau:

   1. Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL)

a) Chủ động tham mưu triển khai thực hiện ở địa phương Đề án triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của BCH Trung ương về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

  b) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Ban hành VBQPPL, bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL, thẩm định dự thảo VBQPPL; kiểm soát chặt chẽ việc quy định thủ tục hành chính trong thẩm định dự thảo văn bản; theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo.

c) Nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; đẩy mạnh việc theo dõi, đôn đốc xử lý văn bản trái pháp luật đã được phát hiện, kết luận. Thực hiện đúng quy định, có chất lượng công tác hệ thống hóa VBQPPL kỳ 2019-2023. Cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác VBQPPL thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của địa phương trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật theo quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015. 

  2. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hoà giải ở cơ sở

          a) Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, nhất là trách nhiệm được giao trong công tác PBGDPL theo hướng gắn kết giữa PBGDPL và xây dựng, thi hành pháp luật, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chú trọng PBGDPL cho đối tượng đặc thù.

          b) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 2927/QĐ-UBND ngày 15/12/2021 của UBND tỉnh về kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh; phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng và các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác PBGDPL thuộc phạm vi quản lý; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động PBGDPL.

          c) Thực hiện có hiệu quả các Đề án, chương trình, kế hoạch về PBGDPL do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp ban hành mới; các chương trình, kế hoạch về PBGDPL do UBND tỉnh ban hành trong năm 2022. Tiếp tục đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức PBGDPL gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, phát huy vai trò của mạng xã hội, các phương tiện truyền thông, báo chí, các thiết chế văn hóa, thông tin cơ sở… tham gia PBGDPL. Tham mưu tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam có hiệu quả, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị, địa phương để lan toả tinh thần thượng tôn Hiến pháp, pháp luật.

  d) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành;  tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở ở địa phương. Tập trung củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải ở cơ sở và đội ngũ hòa giải viên; nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở nhằm giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

e) Tổ chức thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và Quyết định số 1723/QĐ-BTP ngày 15/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành hướng dẫn tiêu chí huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 và tiêu chí quận, thị xã, thành phố đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thuộc tiêu chí quận, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh.

  3. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) và theo dõi thi hành pháp luật

a) Đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật, tập trung vào các lĩnh vực được xác định là trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023, phù hợp với nhiệm vụ chung của cả giai đoạn 2021-2025. Thực hiện tốt Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực trọng tâm, liên ngành năm 2023. Tổ chức tổng kết việc thực hiện “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn năm 2018 - 2022” trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện hiệu quả, thực chất các giải pháp nhằm nâng cao điểm số và nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (Chỉ số B1) ở địa phương.

b) Tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XLVPHC và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về XLVPHC; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thi hành cho các sở, ngành, địa phương; tăng cường kiểm tra liên ngành tình hình thi hành pháp luật về XLVPHC.

c) Tăng cường bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu và thực hiện công tác truyền thông về XLVPHC, theo dõi thi hành pháp luật và Chỉ số B1.

  4. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp (LLTP), bồi thường nhà nước

  a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả  Kế hoạch số 89/KH-UBND ngày 29/3/2017 của UBND tỉnh; Nghị định số 87/2020/NĐ-CP ngày 28/7/2020 của Chính phủ quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến; thực hiện liên thông dữ liệu cấp Giấy chứng sinh, Giấy báo tử để thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử trên môi trường điện tử sau khi Bộ Tư pháp triển khai toàn quốc, tạo điều kiện để đẩy mạnh giải quyết các thủ tục đăng ký hộ tịch trên môi trường điện tử, kết nối chia sẻ dữ liệu hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

  b) Thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 20/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm là nhiệm vụ giải quyết giấy tờ quốc tịch, hộ tịch cho người không quốc tịch, người chưa xác định được quốc tịch, người không có giấy tờ chứng minh về nhân thân, người di cư tự do đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.

c) Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Công ước La Hay năm 1993, Luật Nuôi con nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phục vụ hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi; đổi mới công tác truyền thông, tập trung nâng cao nhận thức quyền trẻ em được sống trong môi trường gia đình thông qua các hình thức chăm sóc thay thế, trong đó có nuôi con nuôi.

d) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch; chú trọng nâng cao nghiệp vụ chứng thực cho đội ngũ công chức làm công tác chứng thực ở địa phương; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, giảm tải áp lực cho các cơ quan nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân.

          đ)  Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp, bảo đảm thông tin lý lịch tư pháp luôn được cập nhật đầy đủ, kịp thời. Tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác tra cứu, xác minh thông tin để cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp.

  e) Thi hành hiệu quả Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước và các văn bản có liên quan, nhất là tổ chức sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để nắm thực chất tình hình và giải quyết bồi thường; đẩy mạnh công tác tập huấn chuyên sâu về nghiệp vụ.

  5. Công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý (TGPL); hỗ trợ pháp lý cho doanh ngiệp

          a) Tiến hành tổng kết thi hành Luật Luật sư; Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật; tổng kết Đề án “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp”. Triển khai Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản sau khi Chính phủ ban hành.

  1. ) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, chú trọng công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý nhạy cảm, phức tạp; nâng cao trách nhiệm tự quản của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực luật sư, công chứng, đấu giá tài sản.

  c) Triển khai có hiệu quả nội dung TGPL trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Luật TGPL năm 2017, trong đó, tập trung vào thực hiện vụ việc TGPL, đặc biệt là vụ việc tham gia tố tụng, nâng cao chất lượng, hiệu quả vụ việc TGPL và kỹ năng TGPL cho đội ngũ người thực hiện TGPL; tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL; triển khai việc trực tại tòa án nhân dân của người thực hiện TGPL và các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan công tác TGPL.

d) Thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo, doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19; tập hợp đội ngũ luật sư, luật gia, hòa giải viên thương mại, trọng tài thương mại tham gia tư vấn pháp luật cho người dân, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp... Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021-2030” sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành.

f) Tổ chức triển khai thi hành có hiệu quả Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 của Chính phủ về đăng ký biện pháp bảo đảm. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm hướng tới hệ thống đăng ký, cung cấp thông tin trực tuyến về biện pháp bảo đảm bằng động sản có đủ năng lực đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của  người dân, doanh nghiệp và yêu cầu của quản lý nhà nước.

6. Công tác tổ chức xây dựng Ngành

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Ngành Tư pháp theo hướng trẻ hoá đội ngũ công chức, viên chức đảm bảo sự kế thừa giữa các thế hệ công chức, viên chức; gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển và sử dụng công chức, viên chức; thường xuyên rà soát, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra theo từng giai đoạn và hàng năm.  Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao kỷ luật, kỷ cương công vụ; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Ngành Tư pháp chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, viên chức Ngành Tư pháp, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức Ngành Tư pháp trong sạch, vững mạnh gắn với việc tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.